Nguyệt Quý là loài cây cảnh thân gỗ, có hoa trắng, rất thơm được trồng làm cảnh phổ biến ở nước ta mà giới chơi cây cảnh thường gọi thành Nguyệt Quế.

Nguyệt Quý có tên khoa học Murraya paniculata là một loại thực vật có hoa thuộc chi Murraya, họ Rutaceae (họ Cam Chanh) được William Jack mô tả khoa học năm 1820. Loài này cũng được gọi theo tên tiếng Trung là nguyệt quất (月橘) hoặc cửu lý hương (九里香). Ở Miền Nam, người ta hay gọi là Nguyệt Quới (đây là cách phát âm từ “nguyệt quý” theo phương ngữ miền Nam). Tuy nhiên, do nhiều người đọc trại chữ Quới thành từ Quế nên dẫn đến nhầm tên Nguyệt Quới thành Nguyệt Quế. Và giờ đây nhiều người nghĩ rằng Nguyệt Quý (Nguyệt Quới) chính là cây Nguyệt Quế mà được dùng làm “vòng nguyệt quế” trao cho người chiến thắng trong các cuộc thi ngày xưa. Nhưng thực tế, “vòng nguyệt quế” lại là vòng được kết từ lá của một loại cây khác có tên là nguyệt quế (hay còn gọi là nguyệt quế Hy Lạp).

Ngoài tác dụng làm cảnh đẹp, hoa thơm thì Nguyệt Quý còn được dùng làm thuốc trị ho đờm, mụn nhọt, sưng bầm, rắn cắn, đau răng…

Nguyệt Quế thực sự hay Nguyệt Quế Hy Lạp có tên khoa học Laurus nobilis, thuộc chi Nguyệt Quế Laurus, họ Lauraceae (họ Long não, họ Quế) là cây thân gỗ hoặc bụi lớn với lá thường xanh có mùi thơm, cao tới 10-18m, có nguồn gốc tại khu vực ven Địa Trung Hải.

Lá nguyệt quế dài khoảng 6–12 cm và rộng khoảng 2–4 cm. Mép lá nhăn và có khía răng cưa đều đặn rất đặc trưng. Nó là loài Cây có hoa đơn tính, hoa đực và hoa cái mọc trên các cây khác nhau; Hoa có màu vàng-lục nhạt, đường kính khoảng 1 cm, mọc thành các cặp cạnh kẽ lá. Quả là loại quả mọng nhỏ màu đen dài khoảng 1 cm, bên trong chứa một hạt.

Lá nguyệt quế được dùng để tạo hương vị trong nấu ăn. Nó được người Hy Lạp cổ đại dùng làm vòng Nguyệt quế để trao tặng cho người chiến thắng trong các cuộc thi đấu Pythia và Olimpic.
Nguyệt Quế cũng được trồng rộng rãi để làm cây cảnh trong các khu vực có khí hậu Địa Trung Hải hay khí hậu đại dương, cũng như trồng trong nhà tại các khu vực có khí hậu quá lạnh lẽo về mùa đông. (theo wikipedia)